Tin tức
MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN
Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được thực hiện hoạt động “bán đấu giá tài sản” là nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật, đây có thể được coi là điểm “đặc thù” trong hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC.
VAMC thực hiện việc bán đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thông qua các phương thức (1) bán đấu giá qua tổ chức bán đấu giá tài sản; (2) VAMC tự bán đấu giá. Do tính chất của tài sản bán đấu giá là khoản nợ xấu (nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt hay nợ mua theo giá trị thị trường) hoặc TSBĐ của khoản nợ xấu mà pháp luật đã có quy định cụ thể về việc VAMC bán đấu giá đối với từng loại tài sản này tại Luật đấu giá tài sản năm 2016, Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung), Nghị định 61/2017/NĐ CP ngày 16/5/2017, Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung).
- Những loại tài sản VAMC thực hiện bán đấu giá
1.1. Khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB): Do khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB, nên VAMC phải thống nhất với TCTD bán nợ về phương thức bán nợ (bán đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh) và điều kiện bán khoản nợ xấu (trong đó bao gồm giá khởi điểm hoặc giá chào bán). Trường hợp VAMC và TCTD bán nợ không thống nhất được phương thức hoặc điều kiện bán khoản nợ xấu, VAMC thực hiện bán đấu giá khoản nợ xấu.
1.2. Khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường: VAMC được lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm việc bán đấu giá khoản nợ.
1.3. TSBĐ của khoản nợ xấu: TSBĐ của khoản nợ xấu được xử lý theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Nếu các bên không có thỏa thuận, VAMC được lựa chọn, quyết định phương thức bán TSBĐ phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
- VAMC thực hiện bán đấu giá tài sản như thế nào?
VAMC được thực hiện bán đấu giá tài sản trên cơ sở (i) ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản; hoặc (ii) tự đấu giá tài sản. Việc đấu giá tài sản phải theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật đấu giá tài sản.
2.1. Trường hợp VAMC ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản: Việc bán đấu giá tài sản sẽ do các tổ chức đấu giá tài sản (gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và Doanh nghiệp đấu giá tài sản) thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật đấu giá tài sản. Trong trường hợp này, VAMC là người có tài sản đấu giá, có các quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá. VAMC phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của VAMC và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
2.2. Trường hợp VAMC tự đấu giá tài sản: VAMC được bán đấu giá khoản nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu, trong trường hợp này, VAMC là người có tài sản đấu giá và thực hiện việc bán đấu giá. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của Luật đấu giá tài sản, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện bán đấu giá của VAMC phải tuân thủ các quy định pháp luật về:
(1) Thông báo công khai việc đấu giá tài sản: đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản, VAMC phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản, mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc.
(2) Thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu: VAMC phải thẩm định giá khởi điểm đối với (i) khoản nợ xấu được VAMC mua bằng TPĐB mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với TCTD bán nợ về giá khởi điểm; (ii) khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường; (iii) TSBĐ của khoản nợ xấu mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm.
(3) Lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá: VAMC thông báo công khai về việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá ít nhất 07 ngày làm việc trên Cổng thông tin điện tử của NHNN, Trang thông tin điện tử của VAMC để lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá khởi điểm đối với tài sản mà VAMC phải thẩm định giá khởi điểm.
(4) Xác định giá khởi điểm để bán đấu giá: Kết quả thẩm định giá được dùng để xác định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu khi bán đấu giá lần đầu, tuy nhiên, trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành, việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá lần tiếp theo được thực hiện đối với từng loại tài sản như sau:
– Bán đấu giá khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, VAMC quyết định giảm giá khởi điểm của khoản nợ xấu của lần đấu giá tiếp theo, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.
– Bán đấu giá khoản nợ xấu mua bằng TPĐB, VAMC thỏa thuận lại với TCTD bán nợ về giá khởi điểm của khoản nợ xấu. Nếu không thỏa thuận được với TCTD bán nợ, VAMC quyết định giảm giá khởi điểm, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.
– Bán đấu giá TSBĐ của khoản nợ xấu: VAMC thỏa thuận lại với bên bảo đảm về giá khởi điểm của TSBĐ. Trường hợp không thỏa thuận được với bên bảo đảm, VAMC quyết định giảm giá khởi điểm, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.
2.3. Thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu
(1) VAMC thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu để bán khoản nợ xấu hoặc TSBĐ của khoản nợ xấu có giá khởi điểm từ 100 tỷ đồng trở lên. Hội đồng đấu giá nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu có thể bán đấu giá một khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu hoặc nhiều khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu.
(2) Cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu thực hiện phải có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó phải có đấu giá viên, đại diện TCTD bán nợ (trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB).
(3) Hội đồng đấu giá nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Như vậy, các quy định pháp luật để VAMC thực hiện bán đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu đã đầy đủ. VAMC đã ban hành hệ thống các văn bản nội bộ phù hợp với quy định pháp luật cho hoạt động bán đấu giá. Bên cạnh đó, VAMC đã chú trọng tới việc tuyển dụng đấu giá viên có nhiều kinh nhiệm trong hoạt động đấu giá tài sản và đào tạo đội ngũ đấu giá viên, hiện tại, VAMC đã có 06 đấu giá viên để chuẩn bị cho việc triển khai bán đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu trong thời gian tới. Hy vọng rằng, với đội ngũ đấu giá viên được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm, cùng với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo thời gian qua, hoạt động bán đấu giá tài sản của VAMC sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Ngô Thị Minh Thảo – Ban Pháp chế VAMC