CHẶNG ĐƯỜNG 10 NĂM NỖ LỰC, QUYẾT TÂM THỰC HIỆN NHIỆM VỤ MUA BÁN, XỬ LÝ NỢ XẤU BẰNG TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT CỦA VAMC

18/05/2023 14:16 GMT+7 223

VAMC được thành lập trên cơ sở Nghị định số 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ với sứ mệnh xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Để thực hiện sứ mệnh này, hoạt động chính của VAMC là mua bán, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) với các phương thức: thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) và theo giá trị thị trường (GTTT).

Trong những năm đầu mới thành lập, trên cơ sở yêu cầu thực tiễn phải đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, VAMC chủ yếu thực hiện mua bán, xử lý nợ xấu bằng TPĐB – đây là hoạt động chưa có tiền lệ tại Việt Nam và trên thế giới. Từ năm 2017, khi quy mô bán nợ bằng TPĐB của các TCTD đã giảm đáng kể do những kết quả rất tích cực của việc xử lý nợ xấu, VAMC bắt đầu triển khai mua bán nợ theo GTTT. 

Để thực hiện hoạt động mua bán nợ bằng TPĐB, ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, VAMC đã thành lập Ban Mua và Quản lý nợ của tổ chức tín dụng Nhà nước (Ban Nhà nước) và Ban Mua và Quản lý nợ của tổ chức tín dụng Cổ phần (Ban Cổ phần). Đến năm 2018, triển khai Quyết định số 835/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1459/QĐ-NHNN ngày 27/6/2013 của Thống đốc NHNN về việc thành lập Công ty Quản lý tài sản, VAMC đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm triển khai có hiệu quả cả hai phương thức mua bán, xử lý nợ xấu, theo đó Ban Nhà nước và Ban Cổ phần đã được cơ cấu lại thành Ban Mua và Quản lý nợ (Ban 1 - Có nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện mua bán, xử lý nợ bằng TPĐB) và Ban Kế hoạch và quản lý rủi ro (Có nhiệm vụ thực hiện thẩm định, cảnh báo, kiểm soát rủi ro đối với hoạt động mua bán, xử lý nợ theo GTTT).

Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu với mô hình xử lý nợ chưa từng có tiền lệ, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và NHNN, VAMC mà đơn vị nòng cốt là Ban 1 đã chứng minh được vai trò, sứ mệnh đặc biệt cũng như khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của mô hình mua bán, xử lý nợ xấu bằng TPĐB với những kết quả rất đáng ghi nhận. 

            Kết quả đạt được trong hành trình 10 năm vừa qua

- Lũy kế từ khi thành lập đến cuối năm 2016, VAMC đã thực hiện mua nợ bằng TPĐB với tổng giá trị TPĐB đã phát hành đạt 245.878 tỷ đồng, tương ứng 275.565 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, góp phần quan trọng trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% vào cuối năm 2016.

Ngay từ khi mới thành lập, với tinh thần khẩn trương và trong điều kiện hoạt động còn rất hạn chế nhưng VAMC đã nỗ lực vượt qua rất nhiều thách thức từ khuôn khổ pháp lý đến nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xử lý nợ xấu của các TCTD. Từ những nội dung mang tính quy tắc như quy chế, quy trình mua, bán, xử lý nợ xấu đến những hoạt động mang tính tác nghiệp thường xuyên như mẫu Hợp đồng, Tờ trình mua, bán nợ,…đã được VAMC vừa triển khai, vừa xây dựng, vừa chỉnh sửa, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Mặc dù phải làm việc với cường độ cao và thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ, kể cả những ngày nghỉ lễ, nhưng trên gương mặt mỗi cán bộ, nhân viên VAMC vẫn hiện lên sự hào hứng, nhiệt huyết khi được tham gia triển khai một nghiệp vụ xử lý nợ xấu rất mới mẻ, sáng tạo và là công cụ đặc biệt của Chính phủ, NHNN trong việc xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống ngân hàng, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. 

- Giai đoạn 2017 đến 31/12/2022: VAMC đã thực hiện mua nợ TPĐB với tổng giá trị TPĐB đã phát hành đạt 133.039 tỷ đồng, tương ứng 136.677 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD.

Từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, hoạt động của VAMC được định hướng chuyển đổi trọng tâm sang mua bán, xử lý nợ theo GTTT. Tuy nhiên, vai trò của hoạt động mua bán, xử lý nợ bằng TPĐB vẫn hết sức cần thiết trong bối cảnh tình hình kinh tế và hoạt động của hệ thống các TCTD vẫn diễn biến phức tạp và gặp nhiều khó khăn, luôn tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động toàn diện của đại dịch Covid-19. 

Như vậy, trong một thập kỷ vừa qua, VAMC đã phát hành tổng cộng 378.917 tỷ đồng mệnh giá TPĐB, tương ứng 412.242 tỷ đồng (tương đương khoảng 18 tỷ USD) nợ xấu nội bảng của 38 TCTD. Việc mua bán nợ xấu thanh toán bằng TPĐB của VAMC đã góp phần tích cực giúp nhanh chóng đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng về mức an toàn theo đúng mục tiêu của Chính phủ và NHNN. 

- Bên cạnh việc mua nợ xấu bằng TPĐB, việc xử lý nợ xấu đã mua cũng là nhiệm vụ trọng tâm của VAMC. Lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2022, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý 323.749 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản nợ đã mua bằng TPĐB, đặc biệt sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42) được ban hành đã giúp VAMC có thêm một cơ sở pháp lý vững chắc và là một đòn bẩy mạnh, có hiệu quả góp phần giải quyết nhanh “cục máu đông” nợ xấu của ngành ngân hàng. Trong đó:

+ Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả mua nợ bằng TPĐB của VAMC từ 15/8/2017 đến 31/12/2022 đạt 120.931 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua đạt 117.567 tỷ đồng (bằng 45% tổng giá mua nợ giai đoạn 2013 – 14/8/2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực và chiếm 31% tổng giá mua nợ giai đoạn lũy kế từ 2013 – 31/12/2022), góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD từ năm 2017 trở lại đây luôn ở mức dưới 3%, đảm bảo an toàn cho hệ thống các TCTD. 

+ Lũy kế từ năm 2017 đến 31/12/2022, VAMC đã xử lý ước đạt 267.324 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản nợ đã mua bằng TPĐB (gấp 4,7 lần so với tổng dư nợ gốc được xử lý giai đoạn 2013 – 2016). Trên cơ sở Nghị quyết số 42 và hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện, VAMC đã phối hợp với các TCTD làm việc với khách hàng, chủ tài sản yêu cầu trả nợ, bàn giao TSBĐ, thực hiện thu giữ thành công nhiều TSBĐ của các khoản nợ xấu đã mua, qua đó việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh và hiệu quả hơn.

Tiếp tục nỗ lực, phấn đấu khẳng định vị thế, vai trò của VAMC trong công cuộc xử lý nợ xấu

Mặc dù đặt trọng tâm hoạt động sang mua bán, xử lý nợ theo GTTT, tuy nhiên, mua nợ xấu bằng TPĐB vẫn là một trong những công cụ xử lý nợ xấu sáng tạo riêng có của Việt Nam. Phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, VAMC sẽ tiếp tục nỗ lực để khẳng định vai trò và hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu một cách nhanh chóng và hiệu quả, có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung của ngành ngân hàng là đảm bảo, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ở mức hợp lý.

            Một thập kỷ đã qua với không ít những khó khăn, thách thức nhưng cũng đạt được nhiều thành tích đáng tự hào sẽ là động lực để tập thể VAMC tiếp tục nỗ lực cố gắng phấn đấu hơn nữa để tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử trong công tác xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

Hà Tiến Quân – Trưởng Ban Mua và Quản lý nợ
Top